Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử Xã Đông Thịnh  - Huyện Đông Sơn - Tỉnh Thanh Hóa

Đông Thịnh trước đây thuộc vào tổng Lê Nguyễn gồm thôn Cửu bụt, thôn Ngọc Lậu, thôn Đà Ninh, xã mai Xuyên và Sở Tỉnh Gia. Năm Minh Mệnh thứ 2  (1821) thôn Cửa Bụt được đổi thành Đại Từ.

Tên Nôm của Đại Từ là Kẻ Bụt, Ngọc Lậu là Kẻ Dậu, Đà Ninh là Điểng Ninh. Mai Xuyên và Tĩnh Gia gọi chung là kẻ Môi.

Năm 1928 huyện Đông Sơn được đổi thành Phủ. Phủ Đông Sơn có 7 tổng. Năm làng của Đông Thịnh thuộc tổng Tuyên Hóa.

Ngay sau cách mạng tháng 8 thành công, chính quyền cách mạng huyện giải thể 7 tổng và chia Đông Sơn thành 23 xã. Năm làng của Đông Thịnh thuộc xã tuyên Hóa. Vào năm 1948, đơn vị hành chính cấp xã của huyện được tổ chức lại còn 13, các làng của Đông Thịnh thuộc vào xã Đông Anh. Hai làng Mai Xuyên và Tĩnh Gia nhập làm một mang tên Đoàn kết. Năm 1953, Đông Sơn lại chia 13 xã thành 22. Xã Đông Anh được tách thành ba xã là Đông Anh, Đông Thịnh và Đông Xuân.

Trước kia làng Đại Từ có 4 xóm: xóm An, xóm Ninh, xóm Hòa, xóm Thuận.

Làng Ngọc Lậu có 3 xóm: xóm Bắc, xóm Nam và xóm Đông

Làng Đà Ninh có 3 xóm: Xóm Thượng, xóm Trung, Xóm Hạ

Làng Đoàn Kết có 2 xóm: xóm Bình và xóm Tĩnh

Các làng của Đông Thịnh hình thành khá sớm và hầu như cách nhau không xa lắm.

Cách đây khoảng sáu thế kỷ, vị Đại tướng quân Lê Văn Chiêu cùng em trai đem theo một số người thân thiết thuộc các họ khác về mảnh đất hoang hóa, lầy lội nhưng mầu mỡ ở phía đông bắc sông Mai Xá để khai hoang phục hóa, lập làng sinh sống, đặt tên là Mai Xuyên. Sau khi ông Lê Văn Chiêu qua đời, nhớ công ơn bậc tiền nhân khai sinh ra làng, dân mai Xuyên tôn ông làm Thành Hoàng, hàng năm, xuân thu nhị kỳ tổ chức cúng tế, lễ hội.

Làng Đại Từ, Ngọc Lậu, Đà Ninh cùng với một phần của Đông Xuân ngyaf nay, trước kia dân quanh vùng thường gọi là Doãn Xá. Theo Gia phã của họ Doãn ở Đông Thịnh, Đông Xuân và Cổ Định, mảnh đất này là nơi người họ Doãn đến khai phá đầu tiên để lập ấp từ khoảng cuối thế kỷ XV đầu thế kỷ XVI.

Cu dân đầu tiên của Tĩnh Gia là họ Phan và họ Lê Văn từ nơi khác đến. Ông Phan Sỹ Đạo từng làm đến chức Thừa Chánh sứ dưới triều Lê sơ. Lúc đương triều ông đã qua lại nhiều lần nơi đây, ngắm nhìn phong thủy, thấy vùng đất lành cạnh làng Mai Xuyên tốt tươi, lấy làm lưu luyến. Sau khi mãn quan, ông đem gia đình cùng hai dòng họ khác đến đây sinh cơ lập nghiệp. Vừa lòng với mảnh đất đã chọn, ông và dân làng đặt tên cho quê hương mới của mình là Tĩnh Gia. Về sau, ông Phan Sỹ Đạo được nhân dân làng Tĩnh Gia lập đền thờ và tôn làm Thành Hoàng.

Truyền thống chống giặc ngoại xâm:

Yêu nước là một truyền thống quý báu của nhân dân Đông Thịnh. Ngay từ thời mới lập làng, dân nơi đây đã tôn người anh hùng Trần Hưng Đạo ba lần có công đầu giúp vua Trần đánh giặc, giữ yên bờ cõi làm Thành Hoàng. Trong tâm thức của họ những người có công với nước mãi mãi xứng được tôn thờ.

Trong suốt thời kỳ lịch sử, tấm lòng yêu nước của nhân dân Đông Thịnh chẳng bao giờ phai nhạt, trái lại luôn trỗi dậy khi đất nước có ngoại xâm. Trong cuộc hành quân thần tốc của quang Trung ra Bắc đánh quân Mãn Thanh xâm lược, nhiều trai tráng của Đông Thịnh kéo nhau ra Thọ Hạc nhập vào đoàn quân Bắc Tiến, góp phần cùng đoàn quân của cả nước đánh tan 29 vạn quân Thanh, giữ yên bờ cõi.

Thực dân pháp xâm lược Việt Nam, theo chiếu Cần Vương dướ  sự chỉ huy của các Văn Thân người dân yêu nước nơi đây đã có mặt trong đêm 11, rạng ngày 12 tháng 3 năm 1886, đánh phủ Đông Sơn, bao vây thành Thanh Hóa, khiến thực dân pháp phải khốn đốn. Nhân dân Đông Thịnh còn ghi nhớ mãi người con của đất Mai Xuyên, ông Cử Quy (Lê Văn Quy) là một trong những văn thân yêu nước của Đông Sơn trong phong trào Cần Vương.

Từ khi Chủ nghĩa Mác – LeeNin được truyền bá vào Việt Nam, nhiều thanh niên Đông Thịnh đã sớm bắt gặp ánh sáng cách mạng. Họ không quản ngại tra tấn và tù đày. Họ sẵn sàng dấn thân vào con đường cách mạng đầy chông gai nhưng cũng hết sức vinh quang để giành nền độc lập, tự do cho dân tộc. Có người đã trở thành cán bộ cốt cán của phong trào cách mạng huyện Đông Sơn.

Suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ và trong thời kỳ bảo vệ tổ quốc, 662 người con ưu tú của Đông Thịnh tham gia vào quân đội nhân dân Việt Nam, 63 người có mặt trong các đội Thanh niên xung phong…96 người đã anh dũng hi sinh trên khắp các chiến trường nam bắc cho non sông đất nước hôm nay được đẹp giàu.

                                                                                                             Văn phòng UBND xã Đông Thịnh

Công khai kết quả giải quyết TTHC

Truy cập
Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
324058

ĐIỆN THOẠI HỮU ÍCH

Số điện thoại tiếp nhận của các tổ chức, cá nhân liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính
02373.742.289