Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử Xã Đông Thịnh  - Huyện Đông Sơn - Tỉnh Thanh Hóa

Nhớ những lần Bác về thăm Thanh Hóa

Đăng lúc: 08:48:00 08/02/2022 (GMT+7)
100%
Print

 - Sinh thời Hồ Chủ Tịch kính yêu luôn dành thời gian đến thăm nhiều địa phương trong cả nước. Trong đó, từ năm 1947 đến năm 1961, Hồ Chủ Tịch đã về thăm Thanh Hóa bốn lần.
Trong những lần về thăm, Hồ Chủ Tịch đã dành cho Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Thanh Hóa những tình cảm tốt đẹp và sự quan tâm đặc biệt. Người luôn động viên Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Thanh Hóa làm hậu phương lớn vững chắc của cả nước trong hai cuộc kháng chiến  trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; và mong muốn Thanh Hóa trở thành một tỉnh kiểu mẫu.
Nhớ lại lần đầu tiên Bác về thăm Thanh Hóa vào ngày 20-2-1947, tại Rừng Thông, huyện Đông Sơn, Hồ Chủ Tịch đã có buổi gặp gỡ và nói chuyện thân mật với  cán bộ hành chính, mặt trận các huyện, châu và các nhân sĩ, trí thức, đại biểu dân tộc, tôn giáo của tỉnh. Bác động viên cổ vũ nhân dân Thanh Hóa tích cực tăng gia sản xuất, tiết kiệm để đóng góp sức người, sức của phục vụ kháng chiến thành công. Người gửi gắm niềm tin và sự kỳ vọng lớn lao đối với tỉnh Thanh Hóa: “Thanh Hóa phải trở thành một tỉnh kiểu mẫu. Phải làm sao cho mọi mặt: chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa phải là kiểu mẫu. Làm một người kiểu mẫu, một nhà kiểu mẫu, một làng kiểu mẫu, một huyện kiểu mẫu, một tỉnh kiểu mẫu. Quyết tâm làm thì sẽ thành kiểu mẫu”. Chia tay trong lần gặp ấy, Bác đã nhắn gửi tha thiết với lời hẹn ngày trở lại: đồng bào trong tỉnh hãy xắn tay áo làm đi, lần sau về đây tôi sẽ thấy mỗi người là một người “kiểu mẫu”.
Những lời chỉ bảo sâu sắc, mang tầm nhìn chiến lược của lãnh tụ Hồ Chí Minh khi Người về thăm Thanh Hóa lần đầu  đã soi đường, chỉ lối để đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thanh Hóa thực hiện  tốt nhiệm vụ kháng chiến, kiến quốc, xây dựng thành hậu phương lớn vững mạnh, đóng góp tích cực vào sự nghiệp kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ. Chỉ tính riêng trong 2 năm 1954 - 1955,  Thanh Hóa đã dồn sức lao động sản xuất, tạo ra của cải để phục vụ  chiến trường - 18.890 thanh niên  nhập ngũ, 3.400 tấn lương thực thực phẩm, đạn dược được vận chuyển ra mặt trận. Hơn 120.000 người tham gia vận chuyển hàng hóa lên chiến trường Điện Biên, trong đó có 11.000 dân công gánh bộ. Trên chiến trường, những người con xứ Thanh đã anh dũng chiến đấu, nhiều tấm gương hy sinh oanh liệt như Anh hùng liệt sĩ Tô Vĩnh Diện lấy thân mình chèn pháo và biết bao người con Thanh Hóa đóng góp xương máu cùng cả nước làm nên một Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Sau  khi cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi, ngày 13-6-1957, nhân dân Thanh Hóa lại vinh dự được đón Bác về thăm lần thứ hai. Người đã khen ngợi và ghi nhận những đóng góp to lớn của nhân dân Thanh Hóa trong vai trò “Hậu phương lớn” của kháng chiến chống Pháp và đặc biệt là chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong buổi nói chuyện, Người nhắc nhớ đến sự hy sinh của những người con ưu tú đã đóng góp cho kháng chiến. Người cũng biểu dương tỉnh Thanh dù gian khó vẫn xây dựng được những công trình kinh tế như: đập Bái Thượng, đê sông Mã, sông Chu, khen ngợi những địa phương có nhiều thành tích kháng chiến kiến quốc như xã Vĩnh Khang, huyện Vĩnh Lộc đã xóa xong nạn mù chữ sớm nhất cả nước... Bác nhấn mạnh: “Bây giờ tiếng Việt Nam  đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ  đến đó, tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó ”.
Khắc sâu lời dạy của Người khi về thăm Thanh Hóa, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh tiếp tục ra sức thi đua, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ và xây dựng hậu phương lớn vững mạnh, chi viện tối đa sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam đánh thắng giặc Mỹ.
Năm 1960, Bác lại dành thời gian về thăm tỉnh Thanh lần thứ 3, Người  tới dự Đại hội đại biểu công đoàn tỉnh Thanh Hóa lần thứ VI tại Sầm Sơn. Tại đại hội, Người đã phát biểu và căn dặn địa phương những lời thật tâm huyết. Người nhấn mạnh vai trò của giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn trong phong trào thi đua yêu nước: “Thi đua tốt là phải làm nhanh, nhiều, tốt, rẻ. Bốn chữ ấy đi liền với nhau. Nhanh, nhiều nhưng không tốt, không rẻ là không được”...
Trong lần về thăm ấy, Bác đã có dịp nghỉ lại ở đền Cô Tiên – Sầm Sơn. Bác đã thưởng ngoạn cảnh đẹp của Sầm Sơn, tắm biển và kéo lưới cùng ngư dân. Gặp gỡ và trao đổi với cán bộ, Bác căn dặn: Nếu nơi đây có một hệ thống dịch vụ khách sạn và có phương tiện đưa đón khách nghỉ mát để tới Hòn Mê thì sẽ thu được nhiều của cải.
Trong  thời điểm cả nước dồn sức cho cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, từ ngày 10 đến ngày 12-12-1961, lãnh tụ Hồ Chí Minh lại có chuyến thăm ấm áp ân tình lần thứ 4. Sau khi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, ngày 11-12-1961,  Bác Hồ đã đi thăm xã Yên Trường, huyện Yên Định. Bác  ân cần thăm hỏi các cụ phụ lão, bà con xã viên HTX Yên Trường.  Bác quan tâm đến ngày công lao động, thu nhập của từng người, Bác đã chỉ ra cho Đảng bộ và nhân dân Yên Trường những ưu, khuyết điểm và mong muốn HTX Yên Trường đổi mới về mọi mặt, tích cực phát huy ưu điểm và những việc cần làm góp phần xây dựng CNXH ở miền Bắc, làm cơ sở vững mạnh để góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Trong chuyến thăm này, Bác đã tới  nhà máy cơ khí Thanh Hóa. Bác đến tận phân xưởng xem công nhân làm việc, thăm nơi ở của công nhân, thăm trường công nhân kỹ thuật. Bác ân cần dặn dò “các cô, các chú cố gắng thi đua phát triển. Hàng của các cô, các chú làm ra phải tốt, phải đẹp và rẻ, nếu không tốt thì không bán được, không bán được thì hàng đó cũng không ăn được vì nó là gang thép...”.
Kết thúc chuyến thăm Thanh Hóa lần thứ 4 cũng là lần cuối cùng này, Bác Hồ đã dành một buổi nói chuyện với hơn 3 vạn đồng bào và cán bộ, nhân dân tỉnh Thanh Hóa tại sân vận động tỉnh. Tại buổi nói chuyện này, Bác đã chỉ ra những ưu, khuyết điểm rõ ràng, cụ thể để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thanh Hóa rút kinh nghiệm. Kết thúc buổi nói chuyện, Bác bắt nhịp cho đồng bào hát vang “Bài ca kết đoàn”.
70 năm đã trôi qua kể từ ngày Bác Hồ lần đầu tiên về thăm Thanh Hóa, nhưng hơi ấm và lời di huấn của  Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn được Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa gìn giữ khắc ghi phấn đấu xây dựng  Thanh Hóa trở thành tỉnh kiểu mẫu, cùng với nhân dân cả nước xây dựng Tổ quốc Việt Nam ngày càng giàu mạnh. 
    (Bài viết sử dụng tư liệu cuốn “Bác Hồ với Thanh Hóa” của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa, tháng 5-1990).
 
                                                                                  Sưu tầm và viết bài 

Công khai kết quả giải quyết TTHC

Truy cập
Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
324058

ĐIỆN THOẠI HỮU ÍCH

Số điện thoại tiếp nhận của các tổ chức, cá nhân liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính
02373.742.289